Niềm tin đó một thứ rất lớn, nếu bạn tin bạn sẽ cho đi tất cả. Nếu bạn tự hào một sản phẩm nào đó bạn sẽ sẵn sàng mua và dành hết lời ca ngợi về nó. Tuy nhiên, tôi đã bị tổn thương vì niềm tin người Việt đã có sản phẩm công nghệ Việt.
Câu chuyện đầu tiên khi tôi biết đến Asanzo thành công với sản phẩm ti vi, tôi đã rất tự hào vì Việt Nam mình đã có công ty sản xuất điện tử cạnh tranh với các hãng điện tử như LG, Samsung tại thị trường Việt Nam. Tôi chưa từng dùng sản phẩm Asanzo nhưng chỉ thấy càng nhiều logo Asanzo xuất hiện tivi siêu thị, phòng họp, khách sạn thì đã thấy sức lan tỏa của thương hiệu mạnh như thế nào rồi, tôi mừng thầm người Viêt mình đã nắm được công nghệ sản xuất. Nhưng rồi loạt bài của Tuổi Trẻ đã làm tôi hụt hẫng, Asanzo chỉ là công ty lắp ghép. Tôi hiểu trong trong sản xuất điện tử thì các linh kiện có thể lắp ghép từ nhiều nguồn thành phần khác nhau, nhưng phần lõi phải là chất xám của nhà sản xuất. Tôi thất vọng với Asanzo không phải vì Asanzo bán hàng Trung Quốc mà Asanzo làm tổn thương lòng tự hào người Việt của tôi. Nói cho cùng Asanzo chỉ làm thương hiệu Việt Nam, chứ không là sản phẩm của người Việt.
Câu chuyện tiếp theo là của ông trùm Vin, nhìn thấy ông Vin liên tục công bố thông tin về Viện Trí tuệ nhân tạo, Ô tô – xe máy Vin, điện thoại Vin, rồi thông tin mua hẳn công ty sản xuất điện thoại của châu Âu. Tôi tin là Việt Nam sẽ là chủ công nghệ, tôi nghĩ đây là một cách làm khác mua công nghệ và làm chủ công nghệ. Rồi đoạn clip Review trên Youtube hai chiếc điện thoại lại làm tôi hụt hẫn một lần nữa. Thì ra Vin rầm rộ công bố thông tin chỉ là cách đánh lừa người Việt về niềm tin rồi mua thiết kế của TQ (?). Vậy Vin cũng chưa thực sự là chủ công nghệ, chỉ là một nhà lắp ghép, chỉnh sửa điện thoại. Có lẽ Vin không sai với chiến lược mua công nghệ để phát triển nhanh, sau đó tự phát triển, nhưng đừng lấy niềm tin của người Việt khi nói đó là sản phẩm Việt.
Câu chuyện thứ BKAV, ai cũng cười với Quảng nổ, nói sản phẩm Việt Nam mình sao làm bằng thế giới. Nhưng hình ảnh của Bphone chính là con đường chông gai của việc phát triển sản phẩm và bán sản phẩm. Phát triển sản phẩm để bằng thế giới như một cuộc đua marathon mà bao nhiêu khó khăn phải vượt qua. Tôi biết rằng Bphone không ai muốn mua vì BPhone còn nhiều điểm hạn chế so với các sản phẩm khác nhưng tôi tự hào BPhone là sản phẩm Việt Nam 100%.
Cách đây 5 năm, tôi có dự một hội nghị bàn về việc xác định xuất xứ hàng hóa để giảm thuế trong ASEAN. Nếu như hàng hóa đó sản xuất tại ASEAN thì thuế xuất nhập khẩu là 0%, nếu ngoài ASEAN thì thuế suất sẽ cao hơn. Vì vậy các nước như Trung Quốc chỉ đơn giản mở một nhà máy tại một nước ASEAN và nhập hàng vào, ráp thêm một số thứ linh tinh và thế là được miễn thuế trong ASEAN. Nhìn vào câu chuyện của Asanzo, Vin, BKAV tôi tự hỏi thế nào là sản phẩm Việt Nam, nếu chỉ việc mua thiết kế, nhập linh kiện, sản xuất tại Việt Nam là sản phẩm Việt Nam? Đối với các sản phẩm khác, nếu sản xuất tại Việt Nam là sản phẩm Việt Nam, nhưng với sản phẩm tri thức, trí tuệ tôi e không là vậy. Một bản thiết kế vi mạch, một bộ source code mới chính là tinh hoa của sản phẩm. Ai sở hữu những tri thức đó mới nên nói chính là sản phẩm Việt Nam.
Là một người làm các sản phần mềm tôi rất tự hào vì những sản phẩm Việt của mình được sử dụng bởi khách hàng ở Úc, Malaysia, Singapore và tất nhiên ở Việt Nam. Tôi tự hào vì không phải sản phẩm của tôi là tuyệt vời 100% nhưng tôi tự hào vì mình là người Việt, đội ngũ Việt nhưng cung cấp giải pháp từ giai đoạn thiết kể, phát triển, kiểm chứng, triển khai và đào tạo khiến khách hàng hài lòng trong công việc quản lý của họ. Tôi tự hào vì đó chất xám của mình và team của mình đã chịu bao đau thương, tích lũy, học hỏi để có được.
Khi còn học tiếng Anh, tôi luôn tự hỏi hai cụng từ Product of ABC và Made in ABC có gì khác nhau. Bây giờ tôi hiểu rõ Product of là niềm tự hào của một dân tộc đã sáng tạo ra nó.
https://www.youtube.com/watch?v=5ieRicfqaN4