Đại dương xanh!
Phàm là sáng lập viên khởi nghiệp đều rất khoái concept Blue Ocean của 2 học giả INSEAD W. Chan Kim and Renée Mauborgne. Đại khái là 2 cụ vẽ ra viễn cảnh con tàu doanh nghiệp của bạn đến được nơi trời yên biển lặng, gió thoảng mây trôi, không có bóng một đối thủ cạnh tranh nào trên đường chân trời, còn cá (aka khách hàng) nhung nhúc dưới chân. Tất nhiên là họ không miêu tả những bầm dập mà các nhà thám hiểm khởi nghiệp phải trải qua, đến nỗi nhiều nhà ra đến được Đại dương Xanh thì đã hết cả hứng khởi, mục tiêu, lẫn sức lực để khai thác.
Nhưng có chuyện này liên quan đến khởi nghiệp kinh doanh, đến Đại dương Xanh. Mà là Đại dương thật, ở ngay Việt Nam ta.
Số là trong các buổi tranh luận dẫn đến cuốn sách của Tiến sĩ Ái Việt “Kế hoạch Ba Đình” mà tôi đã giới thiệu trong một post có tiêu đề là “viển vông”, (https://www.facebook.com/nguyen.nam.54/posts/10218193188769790)
TS Ái Việt có đưa ra ý tưởng về một “Kế hoạch Ba Đình” trong chính sách Biển Đảo: muốn giữ được Biển phải kiếm được tiền từ Biển. Sao không chia Biển ra mà giao cho dân như giao đất ấy.
Một thành viên rất tích cực của nhóm lúc đó là Nguyễn Thị Thành Thực, đã lên án chúng tôi là quá xa rời thực tế (mà đúng thế thật). Các nước Bắc Âu như Nauy, và gần đây nhất là Trung Quốc đã triển khai lâu rồi. Còn chính sách thì em đã đề xuất cách đây 4 năm, cũng đang soạn rồi. Chỉ không biết là các anh có giải quyết được các vấn đề khoa học công nghệ liên quan đến việc khai thác năng lượng và nuôi trồng hải sản ở những vùng nước sâu được không thôi.
Quả nhiên, cách đây một tuần thấy Thực nhắn: Chính phủ đã ban hành nghị định về việc giao Biển rồi anh ơi. Toàn văn các bạn có thể tham khảo ở đây: https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-nguyen-moi-truong/nghi-dinh-11-2021-nd-cp-giao-khu-vuc-bien-nhat-dinh-cho-to-chuc-ca-nhan-khai-thac-su-dung-tai-nguyen-bien-465099.aspx
Hehe, Đại dương Xanh to đùng đây chứ đâu. Giao luôn cho bất cứ ai nhé. Từ trên mặt biển xuống dưới đến tận đáy, vậy mà chỉ tính tiền theo diện tích. Thuê mét khối mà tính mét vuông. Lời chưa!
Thời gian cho thuê tối đa 30 năm.
Thuê để nuôi trồng thủy sản, trả từ 4m/ha/năm đến 7.5m/ha/năm
Thuê để khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu và các hoạt động sử dụng khu vực biển khác: từ 3.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm.
Giá khác nhau chắc phụ thuộc độ sâu, độ mặn hay gì đó chưa thấy hướng dẫn.
Nhưng đúng như Thực nói, thách thức về công nghệ cũng không hề nhỏ. Làm sao có thể duy trì những cơ cấu cơ khí nhẹ như lồng cá hay nặng như ở động cơ ngoài khơi, chống chọi với sóng gió. Làm sao có thể dẫn dắt được điện năng được tạo từ sóng gió về đất liền. Làm sao có thể tổ chức để con người có thể sinh sống vận hành bình thường. Và quan trọng nhất là làm tất cả những thứ đó với chi phí chấp nhận được để những mô hình này mang lại lợi ích về kinh tế. Trước đây, chỉ có mấy cái nhà giàn, đơn thuần là để độ 1 tiểu đội đóng quân, mà hải quân đã phải mất bao nhiêu tiền của, thậm chí là xương máu để xây dựng, chưa kể chi phí duy trì tiếp tế.
Đáng để tất cả các chất xám từ các tiến sĩ, kỹ sư… các ngành năng lượng, cơ khí, thủy sản, IoT, kinh tế… của Việt Nam xúm vào đầu tư nghiên cứu. Giải quyết được mấy bài toán ấy, mấy trăm anh em tha hồ mà khởi nghiệp, mỗi ông độ 100 ha vừa kiếm ăn vừa trông biển hộ Chính phủ. Dân tứ chiếng cho ra đấy trông. Tàu quân sự nước lạ đố dám làm gì!
Vợ tôi ra lệnh: giá mới ra đang rẻ, anh thuê độ mấy ha cho cu cháu ngoại sau này làm của hồi môn dễ lấy vợ:-)
—
Ảnh: lồng nuôi cá nước sâu từ 100-300m Ocean Farm 1 do Công ty đóng tàu Vũ Xương thuộc Tập Đoàn Đóng tàu Trung Quốc (tương tự Vinashin của ta) chế tạo cho hãng SalMar của Nauy đang hoạt động từ 2017. Chỉ có 4 người vận hành và toàn bộ việc điều chỉnh số lượng cá, thức ăn, dòng chảy… do các máy tính và sensors đảm nhiệm. (so với nhà giàn của ta)
Source Facebook Nguyen Thanh Nam